Theo Tổ chức ung thư toàn cầu (Globocan) 2020, tại Việt Nam, tỷ lệ mắc mới ung thư vú xếp hàng đầu thế giới với 21.555 ca. Những con số đáng báo động khiến chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc về cách phòng ngừa, tầm soát, sàng lọc và điều trị ung thư hiệu quả nhất.
Các triệu chứng ung thư vú trong giai đoạn đầu thường không biểu hiện rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các bệnh tuyến vú thông thường. Hiện nay, rất nhiều chị em phụ nữ trẻ tuổi cũng có thể mắc ung thư vú mà không hề hay biết, đến khi bệnh tiến triển nặng sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe. Để hiểu thêm về bệnh ung thư vú, nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa, điều trị hiệu quả, hãy cùng theo dõi những giải đáp thắc mắc đến từ TS.BS CKII Lưu Văn Minh về chủ đề: “Ung thư vú – Nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nữ giới” ngay dưới đây.

Trò chuyện cùng bác sĩ
Dạ thưa bác sĩ, đầu tiên thì bác sĩ có thể cho nói rõ hơn căn bệnh ung thư vú thực chất là như thế nào không ạ?
TS.BS CKII Lưu Văn Minh:
Ung thư vú là căn bệnh ung thư hàng đầu gây ra gánh nặng sức khỏe cho phụ nữ trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam của chúng ta. Tỷ lệ mắc mới lên đến con số báo động khiến những người chuyên khoa ung thư như chúng tôi phải tập trung để có thể làm giảm tỷ lệ này xuống.
Cách đây 10 năm, ung thư cổ tử cung là loại ung thư đứng đầu ở nữ giới, ung thư vú đứng sau. Tuy nhiên nhờ chương trình tầm soát, chương trình phòng ngừa mà ung thư cổ tử cung đã giảm xuống, ngày nay ung thư vú đứng vị trí đầu. Do đó, khi chúng ta hiểu biết về ung thư vú, hi vọng một tương lai không xa, căn bệnh này sẽ giảm theo thời gian.
Ung thư vú gây ra nhiều nguy hiểm cho sức khỏe của phụ nữ. Vậy Bác sĩ có thể cho biết nguyên nhân nào gây nên Ung Thư Vú không ạ?
TS.BS CKII Lưu Văn Minh:
Cho đến thời điểm hiện tại, Y học vẫn đang nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân gây ung thư vú. Tuy nhiên có những yếu tố và nguy cơ sau đây cho thấy có thể dẫn đến ung thư vú:
– Thứ nhất là những phụ nữ có kinh nguyệt sớm và mãn kinh trễ có nguy cơ dẫn đến ung thư vú cao hơn những người bình thường.
– Thứ 2 là phụ nữ độc thân, vòng 1 của phụ nữ không thực hiện được chức năng.
– Thứ 3 là phụ nữ có gia đình, vì một lý do nào đó không cho con bú sữa mẹ, hệ thống điều hòa cơ thể và tuyến sữa có thể hoạt động không tốt.
– Thứ 4 là những phụ nữ thừa cân, béo phì.
– Thứ 5 là phụ nữ sử dụng nội tiết tố nữ, sử dụng estrogen để điều hòa nội tiết nhưng không có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa, đặc biệt là chuyên khoa nội tiết và và chuyên khoa ung bướu.
– Thứ 6 là tình dục không an toàn.
Dạ thưa bác sĩ, như vậy có những dấu hiệu nào để mình biết được đã mắc ung thư vú? Và có cách nào tự kiểm tra hay không ạ?
TS.BS CKII Lưu Văn Minh:
Dấu hiệu cảnh giác ung thư vú chúng ta có thể chú ý đó là: Khi sờ tay vào ngực thấy có cục cứng, mất đối xứng giữa hai vú, núm vú bị thụt vào trong (trước đó không có), trên da vùng ngực có một vùng nhỏ lõm xuống như dấu ấn của ngón tay, vết loét khó lành ở vùng quầng vú, núm vú tiết dịch.
Có một phương pháp đã được Tổ chức Y tế thế giới công nhận đưa vào chương trình tầm soát phát hiện sớm ung thư vú đó là tự khám tuyến vú. Cụ thể:
– Sau ngày hành kinh 3 ngày, lúc này tuyến vú mềm và rất dễ kiểm tra tình trạng bất thường. Bạn hãy đứng trước gương, hai tay buông lỏng, quan sát ngực mình trong gương coi có cân đối hay không và có điều gì bất thường không.
– Tiếp đó bạn chống hai tay vào hông để tuyến ngực căng ra, những thay đổi về màu sắc, về da, kích thước sẽ hiện rõ ra nhanh chóng. Nếu có bất thường thì cần chú ý đi khám.
– Tự khám vú: Sử dụng ngón tay trỏ và ngón giữa kẹp sát để khám tuyến vú bên trái và ngược lại. Tay còn lại đưa ra áp phía sau đầu. Người đứng hoặc ngồi thẳng. Tự chia ngực thành 4 phần: ¼ trên trong, ¼ trên ngoài, ¼ dưới ngoài và ¼ dưới trong. Sau đó dùng tay xoay đè từ trên xuống để kiểm tra, tiếp đến đưa tay sờ vào hố nách xem có cục gì không. Làm ngược lại cho vú còn lại.
Trong quá trình thực hiện, nếu cảm thấy có cục gì cộm cộm, bạn không nên hoảng hốt mà hãy nên đi khám bác sĩ và tầm soát để kiểm tra chính xác nhất.
Vừa nãy bác sĩ có chia sẻ một số trường hợp có nguy cơ mắc ung thư vú cao như phụ nữ thừa cân béo phì, hay vì một lý do nào đó không cho con bú sữa,… Ngoài ra thì còn thêm đối tượng nào là dễ mắc phải Ung Thư Vú nữa không bác sĩ?
TS.BS CKII Lưu Văn Minh:
Bên cạnh một số trường hợp đã chia sẻ ở trên, một đối tượng dễ mắc ung thư vú mà tôi rất cân nhắc khi chia sẻ đó chính là phụ nữ tu hành, vì lý do tôn giáo, tu hành và không lập gia đình. Trong quá trình tôi điều trị ngành ung bướu, cũng gặp rất nhiều ca như vậy. Vì thế không chỉ những người bình thường mà ngay cả những nữ tu cũng nên quan tâm đến sức khỏe của mình.
Một đối tượng nữa cũng đã được nhắc đến đó chính là phụ nữ sử dụng sản phẩm thay thế nội tiết tố trong giai đoạn chu mãn kinh (trước, trong và sau mãn kinh). Các chị em cần lưu ý phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa nếu muốn sử dụng các sản phẩm nội tiết.
Dạ bác sĩ ơi, thường thì các bệnh ung thư khác hình thành là do các thói quen không tốt lâu ngày! Vậy với Ung Thư Vú thì có phải cũng do những thói quen xấu nào không ạ?
TS.BS CKII Lưu Văn Minh:
Khó có thể nhận thấy ung thư vú hình thành do các thói quen xấu lâu ngày. Tuy nhiên, như tôi vừa chia sẻ trên đây có nhắc đến vấn đề tình dục không an toàn. Khi đặt ra vấn đề này, đa số chị em phụ nữ Việt Nam đều e ngại, nhưng nếu chúng ta hiểu được sẽ có biện phòng ngừa tốt hơn. Trong đời sống chăn gối vợ chồng, bên cạnh giữ gìn vệ sinh cơ thể sạch sẽ, nam giới cũng cần giữ vệ sinh miệng khi tác động đến vùng ngực của vợ/bạn tình của mình.
Ngoài ra, khi thấy cục u nổi trên vú, các chị em đừng nghĩ đó là trái chàm mà dùng tay bóp cho bể ra. Thêm vào đó, chị em phụ nữ không nên đi chích lễ đông y hoặc đắp thuốc gì lên các cục u trên ngực, vì nếu không may là ung thư sẽ làm cho chúng phát triển mạnh mẽ hơn và làm mất tính thẩm mỹ trên vùng ngực.
Dạ vậy Ung Thư Vú này có di căn không ạ? Nếu di căn thì cụ thể sẽ nguy hiểm như thế nào vậy bác sĩ?
TS.BS CKII Lưu Văn Minh:
Thông thường các loại ung thư đều diễn tiến theo các bước: Thứ nhất là phát triển thành khối u tại chỗ, thứ 2 là xâm lấn xung quanh, thứ 3 là di căn hạch và sau đó là di căn xa. Tuy nhiên đối với ung thư vú, có nhiều trường hợp dù khối u còn nhỏ nhưng đã có thể di căn vào hạch nách, hay thậm chí là di căn phổi, di căn gan. Có thế thấy ung thư vú là một loại ung thư có diễn biến hết sức bất ngờ, vì thế càng tầm soát phát hiện càng sớm sẽ giúp việc điều trị hiệu quả nhất.
Dạ vâng, vậy giai đoạn của ung thư vú tiến triển như thế nào vậy bác sĩ? Và người bệnh cần làm gì trong những giai đoạn đó ạ?
TS.BS CKII Lưu Văn Minh:
Bệnh ung thư vú trải qua 4 giai đoạn: Giai đoạn sớm – Giai đoạn tương đối sớm – Giai đoạn trễ – Giai đoạn cuối. Trước đây phương pháp đoạn nhũ (cắt ngực) áp dụng cho giai đoạn 1,2 nhưng hiện nay không sử dụng nữa. Thay vào đó, bác sĩ sẽ tiến hành hóa trị trước để thu gọn khối u hoặc xạ trị kết hợp, sau đó lấy khối bướu, mục đích vừa điều trị ung thư vừa giữ được cơ quan quan trọng này và đảm bảo tính thẩm mỹ tối đa nhất cho bệnh nhân.
Ở giai đoạn 1 và 2, trong điều kiện ngành Y tế Việt Nam hiện nay, điều trị kết quả trên 85% (với kết quả khỏi bệnh 5 năm mà không bị gì theo tiêu chuẩn trên toàn thế giới). Do đó, vai trò của tầm soát, phát hiện bệnh sớm ung thư vú có ý nghĩa rất quan trọng.
Bên cạnh việc tự khám vú tại nhà, hiện nay chúng ta có cách nào để nhận biết sớm được bệnh Ung Thư Vú không thưa Bác sĩ?
TS.BS CKII Lưu Văn Minh:
Việc tự khám vú tại nhà chỉ giúp chị em một phần trong việc cảnh giác căn bệnh ung thư vú chứ không thể chẩn đoán bệnh 100%. Do đó để nhận biết sớm ung thư vú một cách chính xác, mỗi năm ít nhất 1 lần (nếu có điều kiện thì 2 lần), các chị em nên đi tầm soát sức khỏe, trong đó có ung thư vú. Bác sĩ sẽ khám lâm sàng, tiến hành một số xét nghiệm hay chẩn đoán hình ảnh cần thiết để giúp phát hiện ung thư vú sớm nhất.
Bệnh viện Quốc tế DNA là một trong những bệnh viện bạn có thể lựa chọn đến để tầm soát ung thư vú. Chúng tôi sở hữu hệ thống trang thiết bị hiện đại, tân tiến nhất hiện nay giúp phát hiện các mầm mống ung thư trong giai đoạn chưa có biểu hiện lâm sàng, trong đó có ung thư vú. Kết hợp với đội ngũ chuyên gia, chuyên viên chuyên khoa về ung thư vú sẽ giúp đưa ra kết quả chính xác nhất.
Dạ vậy ngoài việc Tầm Soát thì có cách nào để giúp nâng cao sức khỏe và phòng ngừa bệnh hiệu quả nữa không ạ?
TS.BS CKII Lưu Văn Minh:
Trong công tác phòng chống ung thư có 4 giai đoạn: Thứ nhất là phòng ngừa ung thư (tiêm vắc xin). Thứ 2 là tầm soát ung thư. Thứ 3 là điều trị có hiệu quả. Thứ 4 là chăm sóc giảm nhẹ.
Hiện nay, các nhà khoa học đang nghiên cứu giải pháp phòng ngừa ung thư vú tiến đến cấp độ sớm hơn. Một trong những phương pháp đó chính là liệu pháp tế bào, và đất nước tiên phong ứng dụng liệu pháp này là Nhật Bản. Họ không chỉ sử dụng liệu pháp này để phòng ngừa và cải thiện bệnh tật mà còn giúp tăng cường sức đề kháng, nâng cao hệ miễn dịch, đưa vào cơ thể các tế bào miễn dịch đặc biệt như tế bào NK có khả năng phát hiện tế bào lạ để tiêu diệt ngay từ lần đầu chạm mặt, kể cả tế bào ung thư, từ đó ngăn ngừa các bệnh ung thư.
Tại Việt Nam, bạn hoàn hoàn có thể thực hiện liệu pháp tế bào miễn dịch tế bào để tăng cường sức đề kháng, củng cố hệ thống miễn dịch cơ thể, phòng ngừa ung thư tại Bệnh viện Quốc tế DNA, nơi đầu tiên được các chuyên gia Nhật Bản chuyển giao công nghệ tế bào miễn dịch. Toàn bộ quá trình tách chiết, tăng sinh, hoạt hóa tế bào đều được thực hiện tại phòng LAB chuẩn GMP-WHO.
Dạ thưa bác sĩ, nếu không may phát hiện mình mắc ung thư vú thì có cách nào để chữa trị hiệu quả không ạ?
TS.BS CKII Lưu Văn Minh:
Bệnh ung thư vú nếu phát hiện càng sớm thì điều trị càng hiệu quả. Hiện nay tại Việt Nam có rất nhiều trung tâm chuyên khoa: Bệnh viện Ung bướu Hồ Chí Minh, Bệnh viện K Hà Nội và nhiều bệnh viện ung bướu tại các tỉnh thành, có đầy đủ trang thiết bị, máy móc hiện đại cùng đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao giúp điều trị ung thư theo từng giai đoạn và kết quả rất khả quan. Do đó, các chị em không nên điều trị bằng các phương pháp truyền miệng mà hãy đến các cơ sở y tế chuyên khoa được nhà nước cấp phép để thăm khám, tầm soát và điều trị bệnh hiệu quả.
Giải đáp thắc mắc
Câu 1- Chị Huệ (Quận 5, TP. HCM)
Dạ chào bác sĩ, tối có các khối u và hạch trên vú. Vậy đây có phải là dấu hiệu của ung thư vú hay không?
TS.BS CKII Lưu Văn Minh:
Khi phát hiện các khối u và hạch trên vú như vậy, chị Huệ cũng không nên quá lo lắng, đa phần nếu còn trẻ thì các khối u nghiên về lành tính cao hơn. Tuy nhiên cũng không nên loại trừ khả năng mắc khối u ác tính. Để biết kết quả chính xác nhất, chị Huệ nên đi thăm khám sớm tại trung tâm chuyên khoa, nơi có trang thiết bị hiện đại và bác sĩ tay nghề cao để được tư vấn, khám và có những chẩn đoán chính xác nhất.
Câu 2 – Chị Tú Anh (TP. HCM)
Thưa bác sĩ, Ung thư vú thường gặp ở độ tuổi nào là nhiều nhất vậy bác sĩ?
TS.BS CKII Lưu Văn Minh:
Qua quá trình làm việc và theo những ghi nhận của Bệnh viện Ung bướu TP. HCM, Bệnh viện K Hà Nội, bệnh ung thư vú thường gặp ở độ tuổi từ 40-60. Tuy nhiên ở độ tuổi còn trẻ hay muộn hơn các chị em cũng không nên chủ quan, nếu nghi ngờ mình có dấu hiệu ung thư vú thì nên thăm khám sớm để kiểm tra chính xác nhất.
Câu 3 – Chị Ánh Ngọc (Cam Ranh, Nha Trang)
Chào bác sĩ, bác sĩ cho tôi hỏi về quy trình tầm soát ung thư vú sẽ bao gồm những bước nào? Và thời gian ra sao có phải chờ đợi lâu không vậy bác sĩ?
TS.BS CKII Lưu Văn Minh:
Hiện nay tại các Bệnh viện
Quy trình tầm soát ung thư vú gồm có Khám lâm sàng và những chẩn đoán cận lâm sàng.
– Khám lâm sàng: Bác sĩ chuyên khoa sẽ rà soát và thăm khám vú bệnh nhân
– Chẩn đoán cận lâm sàng: Thử máu, tìm dấu ấn ung thư vú (các chất tăng cao gây ung thư vú), siêu âm, chụp CT, MRI,..
Tất cả quá trình thăm khám này nếu thực hiện ở cơ sở có hệ thống thiết bị hiện đại thì kết quả sẽ trả liền trong vòng một buổi.
Câu 4 – Chị Hiền (Hà Nội)
Chào bác sĩ, bác sĩ có thể chia sẻ giúp tôi làm sao để phát hiện ung thư vú trước lâm sàng được không ạ?
TS.BS CKII Lưu Văn Minh:
Mỗi chị em trước nhất cần quan tâm đến sức khỏe chính mình bên cạnh việc dành thời gian cho gia đình và sự nghiệp. Hãy quan tâm chăm sóc bảo vệ vòng 1 và chủ động tầm soát giúp phát hiện sớm nguy cơ ung thư, đặc biệt là từ độ từ 40 hay khi nghi ngờ các dấu hiệu có nguy cơ ở độ tuổi sớm hơn.
Xem chi tiết giải đáp của TS.BS CKII Lưu Văn Minh qua video dưới đây:
Qua những chia sẻ và giải đáp thắc mắc rất cụ thể của TS.BS CKII Lưu Văn Minh trên đây, hy vọng mỗi chúng ta sẽ chủ động yêu quý và chăm sóc sức khỏe của bản thân mình và người thân nhiều hơn trước căn bệnh ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng, tích cực hơn trong việc điều phòng ngừa và ngăn chặn căn bệnh từ sớm để tránh những hậu quả đáng tiếc về sau.
Chương trình TRÒ CHUYỆN CÙNG BÁC SĨ sẽ được phát sóng trực tiếp vào lúc 10h sáng thứ 5 hàng tuần trên fanpage chính thức của Bệnh viện quốc tế DNA.
Xem thêm:
Hiểu đúng về ung thư tuyến giáp – Chữa trị kịp thời để giảm thiểu rủi ro
Ung thư gan và những điều cần biết
Thông tin liên hệ
TRUNG TÂM TẦM SOÁT SỨC KHỎE NHẬT BẢN - DNA
Hotline: 1900 2840
Facebook: facebook.com/benhvienquoctedna
Email: info@benhvienquoctedna.vn
Địa chỉ: 1015 Trần Hưng Đạo, Phường 5, Quận 5, TP.HCM